Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

Vì sao người Hàn·Quốc muốn nhân·bản vô·tính một kẻ độc·tài?

Tác·giả: Michael Schuman

Báo "Tuổi trẻ".

29/01/2011 18:40

Kỳ 1


TTO - Nhưng dù sao người Hàn Quốc vẫn nhớ đến Park như là một anh hùng quốc gia của họ, một người đã xây dựng Hàn Quốc trở thành một nhà nước hiện đại. Trong một cuộc khảo sát năm 1996, người Hàn Quốc đã chọn Park là người mà họ muốn nhân bản vô tính nhất. Như vậy, ông vẫn còn có điều gì đó của một nhân vật bí ẩn, khó nắm bắt.

Không giống với những nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc khoa trương hơn, nổi tiếng hơn của thời cuộc, Park lãnh đạm và chân phương. Ông khơi gợi nguồn cảm hứng cho quốc gia của mình thông qua việc nêu gương chứ không phải qua những bài diễn văn hùng hồn, đầy nhiệt huyết. Kim Chong Shin, một phóng viên viết về Park vào những năm 1960, cho biết: “Chắc chắn nhiều khía cạnh trong tính cách của ông được bộc lộ không phải qua lời nói mà qua hành động âm thầm lặng lẽ”. Khi phỏng vấn Park vào tháng 6-1975, Don Oberdorfer phát hiện nhân vật quyền lực lại là một người “ít nói và nhút nhát, gần như chẳng có chút gì oai nghiêm, đường bệ”.

Park “ôm một con chó cảnh Chihuahua nhỏ trong lòng và hiếm khi nhìn vào mắt tôi”. Trước công chúng, ông có vẻ xa cách và lạnh lùng. Tiểu thuyết gia Michael Keon đã chứng kiến Park trong một buổi lễ năm 1966 trình bày những hành động về đất đai trước một nhóm người tị nạn CHDCND Triều Tiên “với một vẻ nghiêm nghị, khó gần và chững chạc, có lẽ giống như một thủ lĩnh chiến binh Aztec đang chỉ huy việc khởi công xây dựng một kim tự tháp”.

Có lẽ không có sự kiện nào làm bộc lộ tính cách sắt đá của Park rõ hơn phản ứng của ông trước một âm mưu ám sát kinh hoàng năm 1974. Khi Park đang đọc diễn văn tại Nhà hát quốc gia chật kín người, một người đàn ông đứng dậy khỏi ghế của mình và chạy xuống lối đi của thính phòng, nã đạn từ một khẩu súng lục. Park đã thoát được mà không bị hề hấn gì nhờ cúi nhanh người xuống dưới cái bục.

Tuy nhiên, vợ của Park đang ngồi sau ông đã đổ gục về phía trước trong chiếc ghế của mình. Một viên đạn đã găm trúng vào đầu của bà phu nhân tổng thống. Sau khi các trợ lý mang cơ thể máu me bê bết của bà vợ khỏi nhà hát, Park quay trở lại micro và nói với khán thính giả đang trong cơn sửng sốt đến choáng váng: “Thưa quý vị. Tôi xin tiếp tục bài phát biểu của mình”. Vợ Park chết sau đó vài tiếng.

Khi Park thật sự nói trước đám đông, ông hô hào người dân phải hiến thân cho chương trình kinh tế của ông và sự phát triển của đất nước. Những bài diễn văn của Park đầy nghẹt những lời kêu gọi liên tục phấn đấu tăng năng suất hơn nữa. Trong thông điệp quốc gia thường niên của ông vào tháng 1-1965, Park tuyên bố năm đó là “năm làm việc”. 12 tháng sau, ông lại khẳng định rất nghiêm túc, không hề có ý hài hước rằng năm 1966 là “năm làm việc cực lực hơn”.

Bản thân là một người nghiện công việc, làm việc không biết mệt mỏi. Park thường xuyên ngồi trong văn phòng của mình ở dinh tổng thống, tức Nhà Xanh, trên tay là tập giấy dùng để ghi chú, tính toán theo cách riêng của mình với các số liệu thống kê kinh tế. Thậm chí sau nhiều ngày dài họp hành với các nhà hoạch định chính sách, Park lui về căn hộ riêng của mình trong Nhà Xanh chỉ để nguệch ngoạc viết ra thêm ý tưởng trình bày vào sáng hôm sau.

Ông cố gắng sống một cuộc sống giống như những người lao động Hàn Quốc trung bình. Bữa trưa trong Nhà Xanh của ông thường là một tô mì và ông nhất quyết độn cơm với bo bo như bữa ăn của một người nghèo. Park từng có lần nói: “Càng thiếu thốn, càng hiếm có thì càng tốt miễn là mình cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc”. Người Hàn Quốc hưởng ứng lời kêu gọi của ông. Vào cuối thập niên 70, một tuần làm việc trung bình của một công nhân sản xuất Hàn Quốc dài hơn 30% so với của một công nhân Mỹ.

Dù Park và những phương pháp của ông có thể bị xét đoán như thế nào đi chăng nữa thì người ta cũng không thể nghi ngờ sự cống hiến của ông cho việc xây dựng một đất nước Hàn Quốc đầy sức sống kinh tế. Vào buổi sáng đảo chính, Park đã tập hợp những sĩ quan trẻ ủng hộ ông vào một căn phòng ở sở chỉ huy quân đội và hứa với họ sẽ đưa Hàn Quốc tới một tầm giàu có mà ít người nghĩ có thể đạt được.

Ông nói về việc xây dựng một đất nước công nghiệp mà ở đó người dân Hàn Quốc không còn chịu cảnh đói khát, đất nước có đủ tiền để bảo vệ mình chống lại bất cứ kẻ thù nào. Lắng nghe chăm chú, Park Tae Joon, đại tá được Park Chung Hee che chở, đã tin vào lời nói đó. “Nhiều người đi theo ông ấy bất kể ông ấy sẽ làm gì - viên đại tá nói về người chỉ huy của mình - Tất cả mọi người đều tin rằng ông sẽ làm những điều tốt đẹp cho đất nước”.

Mang những khát vọng vĩ đại đó trong đầu, Park Chung Hee bắt đầu hành động giành quyền kiểm soát Hàn Quốc vào buổi sáng đó. Ông sắp sửa đánh cuộc với một trong những thách thức cam go nhất của phép mầu. Thế nhưng, Park lại tiếp cận nhiệm vụ này với một tâm thế tự tin và lạc quan. “Trong tâm trạng điềm tĩnh, tôi ra lệnh cho quân đội cách mạng tiến công - Park viết - Tôi không hề có một chút kích động nào”.

Chứng kiến những người lính tiến qua Seoul “là một hình ảnh nhân văn cao cả khiến tôi rơi nước mắt. Tôi nhìn xuống dòng sông Hàn và nhận thấy những con sóng thật mới mẻ, dòng nước thật tươi mới. Chẳng có thứ gì giống như ngày hôm qua”.

10/02/2011 10:43

Kỳ 2


TTO - Con đường Park đi tới quyền lực chứa đầy nhiều điều bí ẩn giống như tính cách của ông. Park sinh ra tại thị trấn Kumi ở miền nam Hàn Quốc vào năm 1917. Cha của Park đã vượt qua được một cuộc thi cam go bắt buộc nếu muốn bước vào bộ máy công quyền nhưng ông không thể tìm được một vị trí thích hợp.

Kết cuộc ông trở thành một nông dân. Cha Park không thạo chuyện đồng áng còn gia đình thì luôn cơ cực. Park là con út trong số bảy anh chị em. Mẹ Park lo sợ người con thứ bảy này sẽ trở thành một cái gánh quá nặng lên nguồn lực còm cõi của gia đình đến nỗi bà đã uống sữa đậu nành sống và nước sắc cây liễu để phá thai.

May mắn thay cho Hàn Quốc, việc đó không thành và Park đã lớn lên trong túp lều tranh vách đất có hai gian của gia đình. Là một học sinh xuất sắc, ông được nhận vào trường chuẩn danh tiếng Taegu, giành được một trong số rất ít suất học dành cho người Hàn Quốc dưới chế độ cai trị thực dân của Nhật. Sau khi tốt nghiệp trường Taegu, ông trở thành giáo viên của một trường tiểu học ở một làng miền núi hẻo lánh.

Chính tại đó Park đã có một trải nghiệm làm thay đổi cả cuộc đời. Một viên thanh tra trường học người Nhật của tỉnh đến thăm trường đã đối xử với các giáo viên bằng một thái độ hết sức khinh bỉ đến nỗi Park ngộ ra một điều: Đừng hòng có một tia hi vọng về sự tiến bộ thật sự cho người Triều Tiên dưới ách thống trị của người Nhật Bản. Hi vọng duy nhất của đất nước là phải quét sạch chúng ra khỏi bờ cõi.

Để đạt được mục tiêu này, Park đã có một quyết định rất mỉa mai: xin gia nhập quân đội Nhật Bản. Park thật đúng là một con người thực dụng hạng nhất. Ông suy tính rằng mình cần phải được huấn luyện quân sự và có kinh nghiệm trận mạc để đánh lại người Nhật. Ông nhận thấy quân đội Nhật Bản là nơi duy nhất để đạt được mục đích của mình. Đối với Park, mục đích luôn biện minh cho phương tiện.

Trong thời gian phục vụ quân đội Nhật Bản, Park tham gia nhiều cuộc giao tranh nhỏ với những du kích Trung Quốc ở Mãn Châu, vùng đất nằm dưới sự kiểm soát của Nhật trong thời gian diễn ra Chiến tranh thế giới thứ II. Chiến tranh kết thúc, sau khi Triều Tiên được giải phóng, ông lại ghi danh vào học viện quân sự mới của Hàn Quốc. Chính tại nơi này, một trong những sự kiện kỳ lạ nhất trong cuộc đời Park đã xảy ra.

Sau cuộc nổi dậy do lực lượng cộng sản phát động vào năm 1948 ở vùng cực nam của đất nước mà qua đó những người lính nổi dậy đã thành lập một “nước cộng hòa nhân dân” tồn tại trong một thời gian ngắn, Park bị bắt với vai trò là người cầm đầu chi bộ cộng sản trong học viện và bị kết án tử hình. Tuy nhiên, Tổng thống Syngman Rhee đã giảm án cho Park trước sự nài xin của viên sĩ quan quân đội cấp cao kiêm cố vấn quân sự người Mỹ của tổng thống là James Hausman, nhân vật đã xem Park là “một người lính tốt bị kết tội”.

Park sau đó đổi nhóm. Ông tham gia vào nhóm tình báo quân sự với nhiệm vụ nhổ tận gốc những người theo chủ nghĩa cộng sản trong các lực lượng vũ trang. (Khi Park mới lên nắm quyền vào năm 1961, tình tiết này đã khiến cho các quan chức Mỹ lo ngại ông là một cộng sản mật. Park đã cử Hausman tới Washington để bảo chứng cho ông).

Park chiến đấu anh dũng trong cuộc chiến tranh liên Triều và vào thời điểm hai miền Triều Tiên ký kết thỏa thuận ngừng bắn vào năm 1953, Park đã được phong tới hàm thiếu tướng. Tuy nhiên, khi thập niên 50 dần trôi qua, Park ngày càng trở nên bất bình với tình hình yếu ớt, suy kiệt về kinh tế của đất nước và sự bất tài của chính quyền Rhee khi họ không làm được gì nhiều (để cải thiện tình trạng đó).

Ông lôi những chính trị gia của đất nước ra đả kích vì tội “độc tài, tham nhũng, kém cỏi và lười biếng”, vì tội “đã hoang phí cơ hội hiếm có để thành lập một quốc gia mới và tồn tại được vững vàng lần đầu tiên trong lịch sử 5.000 năm của chúng ta”. Park chỉ trích: “Kể từ khi Hàn Quốc giành được độc lập, chúng ta đã mất nhiều hơn rất nhiều so với những gì chúng ta được!”.

Park tin nếu sự yếu kém của Hàn Quốc không được sửa chữa thì quốc gia này sẽ rất dễ gặp nguy hiểm trước “người anh em” hiếu chiến. Trong khi Hàn Quốc ngày càng rệu rã thì chế độ của Kim Il Sung ở Bình Nhưỡng lại phát triển rất nhanh nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô. “Nếu tình hình xấu đi, đất nước này rốt cuộc cũng sẽ mất chủ quyền” và hậu quả là “lịch sử và truyền thống của đất nước rồi sẽ đi đến hồi kết thúc,” Park cảnh báo.

Các cuộc biểu tình của sinh viên đã dẫn đến kết cục chấm hết chế độ của Rhee. Vị tổng thống lớn tuổi từ chức vào tháng 4-1960. Chính phủ lên thay Rhee được bầu ra một cách dân chủ nhưng vẫn yếu kém và hỗn loạn. Đối với Park, tình hình đã trở nên không thể chịu đựng nổi. Ý định phải thân chinh hành động nung nấu trong ông ngày càng mạnh.

Park viết: “Khi nghĩ tới điều đó, lòng tôi tràn ngập một nỗi buồn vì sao mình lại sinh ra tại đất nước này vào một thời kỳ như thế. Tôi thức trắng nhiều đêm, vạch ra kế hoạch làm cách nào có thể cứu đất nước khỏi cuộc khủng hoảng, bằng bất kỳ phương tiện gì mà tôi có sẵn”. Ông khẳng định mình cảm thấy không thoải mái với ý nghĩ chính mình nắm giữ quyền lực. “Tuy nhiên, có một điều cấp bách mà người ta không thể đơn giản nhắm mắt bàng quan,” Park viết. “Khi quốc gia đang ở bên bờ vực sụp đổ…, lương tâm tôi không cho phép mình chỉ quan tâm duy nhất tới nghĩa vụ phòng thủ quốc gia.”

Mưu đồ đảo chính đã bắt đầu từ lâu trước khi nó thực sự xảy ra. Park viết, ông đã chuẩn bị phát động cuộc cách mạng chớp nhoáng vào đầu năm 1960 nhưng phải hoãn lại vì sự kiện sinh viên nổi dậy và Rhee bị đạp đổ. Park có thể không phải là người cầm đầu lên kế hoạch đảo chính (các nhà lịch sử thường quy việc này cho viên sĩ quan cấp cao Kim Jong Pil) và sau khi quân đội lên nắm quyền, Park chỉ là một trong những thành viên của hội đồng tướng lĩnh điều hành chính phủ.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng vài tháng, rõ ràng là Park đã nắm giữ vai trò lãnh đạo, ban đầu là chủ tịch của ủy ban hội đồng tướng lĩnh và sau đó là quyền tổng thống. Công cuộc đổi mới Hàn Quốc ấn tượng của ông ngay lập tức bắt đầu.

13/02/2011 16:42

Kỳ 3


TTO - “‘Mình đã tiếp quản một ngôi nhà bị cướp bóc, bị đốt trụi’. Đó là những gì tôi tự nhủ với bản thân khi tôi tiếp quản chính quyền”, Park viết. Nhiệm vụ đầu tiên của ông là dọn sạch “rác”, từ mà Park dùng để chỉ những quan chức và người ủng hộ chế độ cũ. Hàng nghìn người đã bị bắt; một số bị hành hình.

“Tôi quyết tâm nhổ tận gốc tất cả những mầm bệnh đang tồn tại bằng cách dọn sạch toàn bộ khu vực ô uế giống như dùng xẻng đào xới,” Park viết. Ông khẳng định, hoặc giả vờ như đau đớn trước quyết định thanh lọc không thương xót của mình. “Tôi buộc phải trừng trị họ trong nước mắt, nước mắt thật sự,” Park viết.

Quá trình “dọn sạch” này mới chỉ là màn dạo đầu của cái mà ông coi là nhiệm vụ cấp thiết nhất của mình: xây dựng kinh tế. Ông thấy phát ốm với điều kiện sống thê thảm của người dân Hàn Quốc. Park đặt quyết tâm: “Tôi phải phá vỡ, một lần và mãi mãi, vòng luẩn quẩn đói nghèo và trì trệ kinh tế. Trong đời sống con người, kinh tế phải đi trước chính trị hay văn hóa.” Sự ám ảnh của Park về phát triển kinh tế cũng bị tác động bởi mối lo ngại về an ninh.

Đối với Park, một nước công nghiệp là một quốc gia hùng mạnh có khả năng phát triển vũ khí và hậu thuẫn cho quân đội đủ để bảo vệ Hàn Quốc khỏi sự tấn công của bất cứ kẻ thù nào. Thậm chí, Park còn tin tưởng sâu sắc rằng người Hàn Quốc không thể dễ dàng trở thành dân tộc có chủ quyền thực sự nếu không có nền kinh tế phát triển thịnh vượng. Ông viết: “Hi vọng xây dựng một quốc gia toàn vẹn mà không có sự độc lập về kinh tế thật sự không khác gì đi câu cá ở trên cây”.

Giống như Sahashi ở MITI của Nhật Bản, Park cho rằng phát triển kinh tế không thể chỉ dựa vào mỗi khu vực kinh tế tư nhân. Nhà khoa học chính trị Woo Jung En lý giải Park và hội đồng quân sự của ông “là những người có nguồn gốc xuất thân từ nông dân và nuôi dưỡng… một mối nghi kị của người nhà quê đối với tầng lớp giàu có”. Họ tin rằng chủ nghĩa tư bản tự do là vỏ bọc cho một âm mưu của giới nhà giàu.

Park còn lo xa hơn rằng các doanh nghiệp tư nhân Hàn Quốc không có đủ nguồn lực và kỹ năng cần thiết để xây dựng một nền kinh tế vững mạnh nếu không có sự giúp đỡ của nhà nước. Ông cũng cho rằng sự phát triển kinh tế nhất thiết phải là một nỗ lực quốc gia mà trong đó những nguồn lực ít ỏi phải được giới lãnh đạo của đất nước sắp xếp và tận dụng hết mức.

Hệ thống kinh tế mà Park tạo ra chịu sự ảnh hưởng của hệ thống Nhật Bản. Ông đã du nhập trọn vẹn “mô hình châu Á” của chủ nghĩa tư bản tức cung cách “chọn ra những kẻ chiến thắng” của MITI rồi hỗ trợ họ thông qua việc cung cấp tài chính và thiết lập hàng rào bảo vệ. Park thiết lập những định chế quản lý nền kinh tế giống như ở Nhật Bản.

Các bộ tài chính và công nghiệp của Hàn Quốc thực hiện chức năng tương tự như của các cơ quan của Nhật Bản. Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc cũng là một bản sao của Ngân hàng Phát triển Nhật Bản. “Từ hết lĩnh vực này đến lĩnh vực khác, chưa có quốc gia nào hưởng lợi từ việc hiểu rõ sự thành công của Nhật Bản nhiều hơn Hàn Quốc,” Giáo sư nghiên cứu về châu Á của trường đại học Harvard, Ezra Vogel, nhận xét.

Tuy nhiên, Park đã đưa “mô hình châu Á” lên một tầng nấc mới bằng cách tập trung hóa sự kiểm soát của nhà nước tới mức độ chưa từng có ở Nhật Bản. Hai tháng sau vụ đảo chính, Park và hội đồng của mình thành lập Ban hoạch định kinh tế (Economic Planning Board - EPB), một siêu ủy ban đứng trên các bộ riêng lẻ khác có quyền kiểm soát toàn bộ tiến trình phát triển.

EPB có nhiều quyền hành lớn hơn cơ quan hoạch định của Nhật Bản; nó không những phác thảo những ưu tiên trong chính sách của chính phủ và phối hợp giữa các bộ khác nhau mà còn phân bổ các nguồn lực ngân sách để triển khai thực hiện các chương trình của mình, thậm chí còn có quyền quyết định các chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương.

Một nhiệm vụ của EPB là vạch ra và giám sát các kế hoạch 5 năm của Hàn Quốc, những kế hoạch xác định các mục tiêu kinh tế của chính phủ và các chương trình mà chính phủ cho là cần thiết phải triển khai thực hiện để đạt được mục tiêu đó. Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đã được soạn thảo ngay trong vòng vài tháng sau cuộc đảo chính của Park và bắt đầu được triển khai vào năm 1962.

Park cũng thực thi các biện pháp đảm bảo cộng đồng kinh doanh phải phụng sự cho những lợi ích của chính phủ. Một tháng sau chính biến, chế độ của Park thông qua Luật xử lý việc làm giàu bất hợp pháp, bộ luật cho phép Park bắt giữ các doanh nhân lớn, những người đã trở nên giàu có dưới các chế độ cũ, như “những kẻ đầu cơ trục lợi” và đe dọa bỏ tù họ, sung công tài sản của họ. Về sau, Park gian hùng lại cởi trói cho hầu hết các doanh nhân khỏi hình phạt.

Đáp lại, họ phải trả món nợ cho nhà nước bằng cách đầu tư vào những ngành nghề mà Park ưu tiên phát triển. Bốn tháng sau, Park thậm chí còn mở rộng tầm kiểm soát của mình lên nền kinh tế nhiều hơn. Thay vì quản lý hệ thống ngân hàng trực tiếp, giống như ở Nhật, Park quốc hữu hóa các ngân hàng của Hàn Quốc và kiểm soát trực tiếp hoạt động cho vay của các ngân hàng này. Park và những nhà kỹ trị của mình quyết định ngành nghề nào, dự án nào được vay vốn.

Những người nhận được sự hậu thuẫn như vậy chắc chắn phải là những nhà xuất khẩu chủ chốt. Giống như những người đồng cấp Nhật Bản, Park vội vàng lao ngay vào một chiến dịch xúc tiến xuất khẩu vì những lý do tương tự. Ở một quốc gia dựa vào xuất khẩu, Park cần có ngoại hối để mua tư liệu sản xuất và năng lượng cần thiết. Ông cũng muốn đặt nguồn viện trợ nước ngoài của Mỹ trở lại vai trò là nguồn cung cấp đồng tiền mạnh chủ chốt cho đất nước. Park có lần đã từng gọi xuất khẩu là “huyết mạch kinh tế”.

Bắt đầu vào năm 1964, chính phủ đánh bạo đưa ra hàng loạt chính sách nhằm mục đích mở rộng xuất khẩu, trong số đó có việc phá giá rồi sau đó là thả nổi đồng Won, tự do hóa cơ chế xuất khẩu nghiêm ngặt của Hàn Quốc để tạo điều kiện cho các công ty Hàn Quốc dễ dàng hơn trong việc đưa vào nước các loại máy móc, nguyên liệu thô và những bộ phận cấu thành cần thiết để sản xuất phục vụ xuất khẩu.

Tiếp đó, sang năm 1965, chính phủ Hàn Quốc làm theo phong cách của MITI là “nhắm tới” 13 loại ngành hàng mà họ xem là “những nhân tố chiến thắng” phục vụ cho chương trình xúc tiến đặc biệt. Danh sách đó bao gồm những ngành nghề đòi hỏi thâm dụng lao động, trong đó có sản xuất tơ tằm, vải sợi, cao su và máy thu thanh. Đó là những ngành hàng mà các nhà kỹ trị của Park cho rằng Hàn Quốc có lợi thế cạnh tranh đặc biệt nhờ vào lực lượng lao động dồi dào, chăm chỉ và có giá rẻ của mình.

Các công ty hoạt động trong những lĩnh vực này được hưởng nhiều đặc quyền từ phía chính phủ chẳng hạn như được vay vốn với lãi suất thấp, được cho nợ thuế đánh vào thu nhập có nguồn gốc từ xuất khẩu, được miễn giảm thuế đối với sản phẩm nhập khẩu đầu vào cần thiết. Bằng cách này, chính phủ Hàn Quốc đã thay đổi cơ cấu kích thích đầu tư của nền kinh tế, hay nói theo cách của Amsden là đã bóp méo giá cả, nhằm khuyến khích đầu tư vào những ngành nghề xuất khẩu bằng cách làm cho việc đầu tư kiểu này trở nên sinh lợi một cách bất tự nhiên.

Một Park Chung Hee tràn đầy sinh lực mạnh mẽ đã giám sát các kế hoạch phát triển của đất nước tỉ mỉ đến từng chi tiết. Theo Vogel thì Park đã hành xử “giống như một vị tư lệnh tiền tuyến”. Ông đã cho lập một “phòng xử lý tình huống” sát với văn phòng của mình để giám sát và theo dõi các chương trình đồng thời tổ chức các cuộc họp định kỳ hằng tháng, hằng quý với các bộ trưởng, các nhà chính trị, các giám đốc ngân hàng, các lãnh đạo doanh nghiệp, thậm chí với các lãnh đạo công nhân để kiểm tra tình trạng của họ.

Ông không ngớt quấy rầy các bộ trưởng bằng những cuộc điện thoại liên tục để đảm bảo chắc chắn là họ đang đáp ứng đúng thời hạn và mục tiêu. Kim Chung Yum, Bộ trưởng Tài chính kiêm Chánh văn phòng Phủ Tổng thống, viết: “Tổng thống Park giám sát tiến độ của từng dự án một, kể cả dự án công lẫn dự án tư”. Thậm chí những dự án ít tên tuổi cũng nhận được sự quan tâm theo dõi sát sao của Park. Chẳng hạn như đối với một chương trình cải tiến việc sử dụng nước ngầm, Park đã tổ chức hàng chục cuộc họp cho đến khi mọi khía cạnh của dự án được quyết định xong. Sau đó, đích thân ông đi thăm dự án.

Bất chấp việc kiểm soát nghiêm ngặt chính sách, Park vẫn thừa nhận một điều là ông có rất ít kinh nghiệm hay kiến thức học hành bài bản về kinh tế. Tuy nhiên, ông lại cởi mở một cách đáng ngạc nhiên đối với những ý kiến tham mưu của các chuyên gia kinh tế mà ông đã trọng dụng làm bộ trưởng hay trợ lý. Kim Chung Yum là một trong những người mà Park nhẫn nại lắng nghe nhất. Vào thời điểm xảy ra cuộc đảo chính năm 1961, Kim, một nhân viên của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, được giao nhiệm vụ ở New York làm người liên lạc giữa ngân hàng này với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Khi Park bắt đầu thanh trừng những người thuộc chế độ cũ, Kim vẫn còn đang ở Mỹ và lo sợ sẽ chịu chung số phận nếu mình trở về nước. Tuy nhiên, sống lưu vong tại Mỹ dường như cũng không phải là một lựa chọn tốt. Kim không dám tự tin rằng ông có thể chu cấp cho gia đình mình tại một đất nước xa lạ. Cảm thấy không còn có sự lựa chọn nào khác, Kim quay trở về Seoul. “Tôi hoàn toàn sợ hãi,” Kim bộc bạch. “Có một mối nguy hiểm đang treo lơ lửng là tôi sẽ bị tống vào tù.” Kim hi vọng kiến thức chuyên môn tinh thông của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực tiền tệ, sẽ giúp mình an toàn.

Và Kim đã đúng. Được đưa vào làm trong ban nghiên cứu kinh tế của Cơ quan Tình báo Trung ương Hàn Quốc, chẳng bao lâu sau, ông được yêu cầu phải chuẩn bị một báo cáo về việc triển khai thực hiện một chính sách cải cách tiền tệ trọng đại mà hội đồng tướng lĩnh đang cân nhắc xem xét. Chính phủ sẽ thay đồng tiền cũ bằng một đồng tiền mới, đồng Won, và sẽ thay đổi các qui định của ngân hàng. Tất cả đều nhằm mục đích thúc đẩy đầu tư. Kim đã thiết kế toàn bộ chương trình thực thi đó trong khi thâm tâm vẫn tin rằng nỗ lực kiểu này sẽ gây tai họa cho nền kinh tế.

Khả năng chuyên môn của Kim đã gây ấn tượng mạnh lên hội đồng tướng lĩnh. Được triệu tập đến một cuộc họp với Park lần đầu tiên, Kim bước vào phòng họp và thấy Park đã ở đó, oai vệ trong dáng ngồi thẳng cứng với hai cánh tay dang rộng, “một nhân vật trầm lặng” với “lửa trong đôi mắt”, Kim nhớ lại. Những sĩ quan quân đội khác ngồi hai bên. Park lệnh cho Kim giảng giải về kế hoạch tiền tệ của mình cho tất cả mọi người.

Đó là một khung cảnh đáng sợ nhưng vì Kim cảm thấy những mối nguy hiểm của chương trình cải tổ theo kế hoạch quá lớn đến nỗi ông cho rằng mình buộc phải nói vì lợi ích của nền kinh tế. Ông trình bày với Park rằng vẫn có nhiều phương pháp ít quyết liệt hơn có thể áp dụng được để đạt cùng mục tiêu tương tự. Với vẻ không bị xáo trộn tâm trí trước lời phê bình, Park lắng nghe lời khuyên của Kim rồi sau đó phát biểu đại ý suy nghĩ của riêng mình.

Park nói nền kinh tế hiện là một mớ hỗn độn cho nên các biện pháp mạnh mẽ là cần thiết. Park không những không trừng phạt Kim vì tội chống đối mà Kim còn giành được sự tôn trọng của Park. Ông đã phục vụ cho Park gần như trong suốt thời gian Park cầm quyền.

14/02/2011 10:47

Kỳ 4


TTO - Park có thể sẵn sàng chịu đựng sự phê bình của các chuyên gia nhưng không phải lúc nào cũng nghe theo ý kiến tham mưu của họ. Ông phớt lờ những cảnh báo của Kim về kế hoạch cải cách tiền tệ và rồi kế hoạch này đã kết thúc trong thất bại tồi tệ. Một số biện pháp đáng lẽ ra phải làm ngược lại.

Kinh nghiệm này không làm cho Park ương ngạnh từ bỏ thái độ phớt lờ nhóm tham mưu kinh tế của mình trong tương lai. Khi quyền lực của Park ngày càng mạnh lên thì ông càng trở nên thích hành động một mình. Những bước đi mà Park thực hiện, thường là bị phản đối kịch liệt, đã định lại hình hài của nền kinh tế và nhào nặn ra Tập đoàn Hàn Quốc.

Một ví dụ tiêu biểu là tuyến đường cao tốc xuyên quốc gia đầu tiên của Hàn Quốc. Park bị ám ảnh với việc xây dựng một hệ thống xa lộ tại Hàn Quốc sau một chuyến thăm Tây Đức vào năm 1964. Ông yêu cầu cho xe chạy chậm lại trên một xa lộ ở Đức và bị ấn tượng mạnh đến nỗi hai lần yêu cầu tài xế dừng lại để xem xét mặt đường, các rào chắn phân cách và những chi tiết xây dựng khác.

Một nhân viên người Đức đã trải một tấm bản đồ Tây Đức, thuyết minh cho Park thấy mạng lưới giao thông đường bộ rộng khắp của nước mình và trình bày sơ qua những lợi ích kinh tế của mạng lưới này. Park tin rằng Hàn Quốc cũng cần một hệ thống đường cao tốc của riêng mình để thúc đẩy giao thương và nâng cao hiệu quả kinh tế. Nối Seoul và Pusan, hai thành phố lớn nhất của Hàn Quốc, bằng một con đường cao tốc trở thành ưu tiên hàng đầu của Park.

Có rất ít người nhất trí với ý tưởng này. Năm 1965, chính phủ Hàn Quốc yêu cầu Ngân hàng Thế giới (WB) tiến hành một cuộc nghiên cứu về giao thông đường bộ của Hàn Quốc. Báo cáo của WB ủng hộ thực hiện một chương trình xây dựng khiêm tốn hơn rất nhiều, không có những xa lộ lớn. Park bác bỏ nghiên cứu này. Park nhận định nền kinh tế đã phát triển vượt xa các mục tiêu đã đề ra trong các kế hoạch 5 năm của ông; cho nên, Hàn Quốc cần xây dựng các xa lộ nhanh hơn rất nhiều so với những gì mà WB hình dung.

Tuy nhiên, ngay chính trong nội bộ chính phủ, các kế hoạch của Park cũng vấp phải sự chống đối. Chi phí xây dựng riêng xa lộ nối Seoul và Pusan cũng đã lớn hơn tổng ngân sách quốc gia năm 1967. Quốc hội, vốn hay phục tùng mệnh lệnh, lần đầu tiên từ chối không thông qua ngân sách tài trợ cho dự án này của Park. Thậm chí nhiều thành viên trong đảng của Park cũng phản đối.

Không nao núng, Park quyết định đích thân xúc tiến dự án. Ông ra lệnh cho các trợ lý thu thập thông tin về việc xây dựng đường cao tốc tại nhiều nước từ vùng Andes cho đến Siberia và chính ông sau đó đọc ngấu nghiến những thông tin đó. Ông bay ngược bay xuôi Hàn Quốc trên một chiếc trực thăng cùng với các kỹ sư của Bộ Xây dựng để vẽ tuyến đường dự kiến vào một cuốn vở nháp kê trên đầu gối của mình. Trong quá trình xây dựng, trực thăng của Park có mặt ở khắp nơi, lao đến hết địa điểm này tới địa điểm khác để giải quyết những vấn đề khó khăn vướng mắc.

Một kỹ sư đã làm cho dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Seoul - Pusan cho biết: “Nếu ngài Park không biết câu trả lời (cho một vấn đề) vào ngày thứ 3, ông sẽ quay trở lại vào ngày thứ 5 hoặc thứ 6 cùng với lời giải đáp”. Cuối cùng, Park đã có được con đường của mình trong thời gian hoàn thành kỉ lục. Toàn bộ quãng đường dài 428km đã hoàn tất vào năm 1970, chỉ sau 2 năm 5 tháng xây dựng.

Một dự án bị chống đối mạnh mẽ nổi tiếng của Park là dự án xây dựng Công ty Sắt thép Pohang vốn được biết nhiều hơn với cái tên viết tắt là POSCO. Trong tất cả vô số kế hoạch công nghiệp không đếm xuể của Park, không có cái nào ý nghĩa với ông bằng giấc mơ xây dựng một nhà máy thép.

Với Park, thép là hạt nhân của phát triển công nghiệp Hàn Quốc, một nhân tố cấu thành cần thiết của ngành xây dựng, công nghiệp nặng và cơ sở hạ tầng. Thậm chí nó còn quan trọng hơn nhiều vì Park cho rằng thép đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ đất nước khỏi (sự tấn công của) CHDCND Triều Tiên.49 Park đã tự tay viết một biểu ngữ gửi đến POSCO: “Thép là sức mạnh quốc gia” (biểu ngữ này cho đến nay vẫn còn được treo tại trụ sở chính của POSCO tại Seoul).

Tuy nhiên, nhà máy thép bị cho là một dự án thậm chí còn viển vông hơn dự án đường cao tốc. Hàn Quốc không có công nghệ, không có kỹ sư được đào tạo, không có kinh nghiệm trong ngành sản xuất thép, không có tiền cũng chẳng có nguyên vật liệu thô. Thị trường trong nước nhỏ bé không thể truyền sức mạnh cho dự án nhà máy thép khổng lồ phục vụ mục tiêu hội nhập mà Park muốn.

Một nghiên cứu khác của Ngân hàng Thế giới kết luận ý tưởng của Park là “đề xuất hấp tấp không khả thi về kinh tế”. Tuy vậy, chế độ mới của Park vẫn đưa vấn đề phát triển nhà máy vào kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của mình và Park vô cùng mất tinh thần khi thấy đất nước không thể khởi động được dự án.

Ông quay sang Park Tae Joon, viên đại tá trẻ đã ủng hộ cuộc đảo chính của ông. Cả hai nhân vật họ Park đều có hoàn cảnh xuất thân tương tự nhau. Park Tae Joon sinh ra trong một gia đình nghèo và học lên cao dần trong hệ thống giáo dục Nhật Bản, đậu vào trường đại học Waseda danh tiếng của Nhật, nơi ông theo học ngành kỹ sư cơ khí. Sau cuộc đảo chính năm 1961, Park Chung Hee đã bổ nhiệm nhân vật họ Park trẻ tuổi làm Tổng Thư ký Thứ nhất của mình.

Ba năm sau, Park Tae Joon được điều sang đảm nhận một nhiệm vụ khác: phục hồi một công ty sản xuất vonfram của nhà nước làm ăn thua lỗ và đầy rẫy bê bối. Viên đại tá trẻ họ Park đã nhanh chóng xoay chuyển được tình hình dù không có một chút kinh nghiệm kinh doanh nào. Ấn tượng mạnh trước tài năng của Park Tae Joon, vị tổng thống quyết định chọn người thuộc cấp trẻ làm việc tích cực và chu đáo được ông che chở làm người chịu trách nhiệm triển khai xây dựng nhà máy thép.

Năm 1965, ông yêu cầu Park Tae Joon chỉ huy dự án. Ban đầu, Park Tae Joon từ chối. Nhà máy thép là một việc hết sức nản chí, thậm chí đối với Park trẻ. “Tôi có thể làm được gì về điều đó?”, ông phản ứng. Nhưng giống như thường lệ, Park Chung Hee đã quyết định rồi. Vị tổng thống nói: “Cho đến giờ, đó vẫn là một dự án thất bại. Vì vậy, anh phải gánh vác việc này.” Park Tae Joon xuôi lòng. Ông nói, tổng thống Park “có một niềm tin hết sức kỳ lạ rằng nếu ông ấy giao cho tôi một công việc phải làm thì tôi sẽ đảm nhận việc đó”.

Vấn đề trở ngại chính là tiền. Vào năm 1967, chính phủ Hàn Quốc thu xếp được một thỏa thuận hỗ trợ kỹ thuật với một liên doanh bao gồm nhiều công ty đến từ 5 nước khác nhau. Năm sau, công ty Sắt thép Pohang được sáp nhập thành doanh nghiệp nhà nước, nằm dưới sự lãnh đạo của Park Tae Joon. Việc xây dựng dự kiến khởi công vào đầu năm 1969. Tuy nhiên, cái ngày khởi công dự kiến đó cứ đến rồi lại qua còn tiền xây dựng nhà máy thì vẫn không huy động được.

Lo lắng, Park Tae Joon bay sang Pittsburgh (Mỹ) để gặp Fred Foy, chủ tịch một công ty công trình có nhiều ảnh hưởng tên là Koppers đồng thời cũng là người đã có công trong việc thành lập liên doanh. Foy viện dẫn nghiên cứu tiêu cực của Ngân hàng Thế giới về nhà máy thép và trả lời liên doanh không thể hỗ trợ hay đảm bảo tài chính cho POSCO.

Bất chấp những lời thuyết phục, biện hộ của Park Tae Joon trong một buổi họp tới nửa đêm với Foy, nhà điều hành doanh nghiệp người Mỹ vẫn khăng khăng khẳng định dự án nhà máy thép ở Hàn Quốc là không thể thực hiện được. Khi Park Tae Joon chán nản sửa soạn hành lý quay trở về nước thì Foy mời Park nghỉ lại một khu nghỉ dưỡng hướng ra biển tại Hawaii thuộc quyền sở hữu của một trong những đồng nghiệp của Foy. Quá mệt mỏi về thể chất lẫn tinh thần, Park chấp nhận lời mời.

Hòn đảo Hawaii đầy nắng cũng không làm cho tinh thần Park Tae Joon phấn chấn lên được. Nhà máy thép là tất cả những gì mà Park có thể nghĩ tới. “Không ai sẵn lòng đầu tư vào một nhà máy thép vì họ cho rằng nền tảng kinh tế của Hàn Quốc quá yếu không thể chứng minh cho sự thành công của một nhà máy,” Park lý giải. Trong khi nằm uể oải trên một tấm khăn ở bãi biển, Park chợt nảy ra một ý tưởng đột phá.

Ông tự hỏi tại sao không sử dụng tiền bồi thường thiệt hại chiến tranh từ Nhật Bản để tài trợ vốn cho POSCO? Năm 1965, Park Chung Hee đã gây ra một phản ứng mạnh mẽ khi bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản; đổi lại, Tokyo hứa sẽ trao cho Seoul một gói viện trợ và nhiều khoản cho vay. Tiền đã được đánh dấu dành riêng cho các dự án phát triển khác nhưng Park Tae Joon nghĩ số còn lại có thể được chuyển sang đầu tư vào POSCO.

Ông gọi cho Park Chung Hee ở Seoul. “Tại sao tôi không nghĩ ra được điều này nhỉ? Đó là một ý tưởng hay,” vị tổng thống phản hồi. Park Tae Joon triển khai liên lạc với phía Nhật Bản trong khi tổng thống và các bộ trưởng của tổng thống vận động hành lang đối với chính phủ nước này. Cuối cùng, Seoul cũng nhận được cái gật đầu thông qua của Tokyo. POSCO chuẩn bị cất cánh.

Nôn nóng muốn bù lại quãng thời gian đã mất, Park Tae Joon gò các nhóm xây dựng của mình theo một lịch làm việc mệt lử. Với một chiếc gậy batoong để chỉ đạo công việc, Park đi giám sát việc xây dựng, thậm chí vào lúc nửa đêm, khi công nhân làm việc dưới ánh đèn điện sáng choang. Chiếc gậy batoong trở thành biểu tượng cho nỗ lực không ngừng nghỉ của Park đồng thời cũng trở thành một vật tượng trưng cho sự kính sợ.

Suốt toàn thời gian xây dựng nhà máy, Park nghĩ rằng ông hiếm khi ngủ hơn 2-3 tiếng mỗi đêm. Hình ảnh trông giống một chú hề này đã mang lại cho Park nhiều biệt danh đầy sắc màu biểu cảm. Hết “Park đinamit (chất nổ)” rồi lại đến “ông máu lạnh”. Ngoài tiến độ nhanh chóng còn có một điều làm nổi rõ đặc trưng phong cách quản lý POSCO của Park là sự chú ý tập trung mang tính bắt buộc và cao độ đến mức ám ảnh đối với vấn đề chất lượng - điều thường bị bỏ sót trong các dự án do nhà nước đầu tư ở các nước đang phát triển.

Có một lần, Park quyết định đi kiểm tra khung nhà máy thép, toàn bộ từ chân móng lên tới trần với độ cao gần 92m. Ông phát hiện ra một số bulông bị lỏng - một lỗi tiềm ẩn thảm họa. Vậy là, cùng với một nhóm các nhà quản lý của mình, ông đã kiểm tra tất cả 240.000 bulông và dùng phấn trắng đánh dấu những chỗ cần phải sửa chữa, khắc phục.

Tháng 7-1973, hai vị họ Park cùng đẩy một thanh kim loại đang cháy đỏ rực vào bễ lò luyện hơi tại nhà máy POSCO, mở đầu thời kỳ luyện thép của Hàn Quốc. Park Tae Joon tiếp tục quản lý POSCO với một sự quyết tâm sắt đá cho đến tận năm 1992. Trong suốt thời gian đó, đòi hỏi không ngừng của Park đối với chất lượng và công nghệ đã biến POSCO trở thành một trong những nhà sản xuất thép có ảnh hưởng nhất và lớn nhất trên toàn thế giới.

Giống như những gì Park Chung Hee kỳ vọng, công ty này đã đặt nền móng cho bước tiến tiếp theo của Hàn Quốc đến Phép màu. Hàn Quốc đã chứng tỏ rằng các chuyên gia sai lầm.

16/02/2011 11:01

Kỳ 5


TTO - Đối với Park, thép chỉ là một phần trong một kế hoạch lớn hơn rất nhiều nhằm định hình lại nền kinh tế Hàn Quốc. Sự xuất khẩu giày da và áo sơ mi đã thành công trong việc khởi động sự tăng trưởng kinh tế tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, vào khoảng đầu thập niên 1970, Park cho rằng đất nước không thể dựa mãi mãi vào những ngành nghề sản xuất thâm dụng lao động như vậy vì Hàn Quốc đang đối mặt với chi phí sản xuất gia tăng.

Giống như Sahashi, Park mong ước chuyển đổi cấu trúc nền kinh tế sang những ngành đòi hỏi phải có những nhà máy lớn, tiền đầu tư lớn, đội ngũ quản lý được đào tạo cao. Ông cũng muốn chuyển đổi cơ cấu thép của POSCO. Sự biến đổi về kinh tế tại Nhật Bản cùng với thành công của nó nhờ vào ngành công nghiệp nặng đã thuyết phục Park tin rằng Hàn Quốc cũng cần phải làm theo như vậy. Như lệ thường, an ninh quốc gia đã dẫn dắt suy nghĩ của ông. Park muốn phát triển một ngành công nghiệp quốc phòng để Hàn Quốc có thể tự sản xuất ra vũ khí của mình.

Một lần nữa, không phải ai trong chính quyền của Park cũng đồng ý. Các bộ trưởng kinh tế của ông nói chung đều phản đổi việc chuyển đổi này. Ban hoạch định kinh tế EPB đầy quyền lực lập luận đơn giản rằng nền kinh tế Hàn Quốc quá nhỏ và quá yếu ớt nên không thể gánh vác nổi một chương trình phát triển công nghiệp đồ sộ như vậy. Mâu thuẫn biến thành những cuộc tranh cãi nảy lửa trong các phiên họp nội các giữa tổng thống và các đại diện của EPB. Park đã triệu tập một loạt các phiên họp đặc biệt để giải quyết bất đồng nhưng không đạt được kết quả nào.

Park lại chọn con đường hành động một mình. Chương trình công nghiệp hóa mạnh mẽ được công bố năm 1973 của ông thường bị gán cho cái tên “Cú đẩy lớn”. Nói theo Woo Jung En, kế hoạch này là “hình ảnh phản chiếu của một sự ám ảnh chính trị”. Để qua mặt những bộ trưởng gàn dở của mình, Park thành lập một văn phòng đặc biệt trong Nhà Xanh gọi là Nhóm hoạch định và quản lý các ngành công nghiệp nặng và hóa chất, tiếm quyền của EPB trong hai lĩnh vực này.

Tổng thống và nhóm này chọn ra sáu ngành cần tập trung đặc biệt, gồm: đóng tàu, điện tử, thép, kim loại, máy móc và hóa chất. Nhóm mới cũng bắt đầu xây dựng những khu liên hợp công nghiệp lớn ở khắp đất nước để đón chào những nhà máy và xưởng đóng tàu mới này. Các công ty đảm nhận thực hiện những dự án (thuộc sáu ngành mũi nhọn) này được tài trợ vốn ưu đãi, được giảm thuế vận chuyển và hóa đơn tiền điện.

Các kế hoạch của Park rất đồ sộ, hầu như vô cùng to lớn về quy mô lẫn phạm vi. Woo châm biếm: “Tất cả các nhà máy mới phải là cái tốt nhất, lớn nhất thế giới và để xứng đáng kiêu hãnh với vị thế đó, chúng phải là những nhà máy được xây dựng nhanh nhất hoặc là nhà máy hoạt động hiệu quả nhất, gần như thể chương trình đang cố gắng giành một chỗ trong Sách kỉ lục thế giới Guinness.”

“Cú đẩy lớn” thực sự giúp hình thành nên Tập đoàn Hàn Quốc nhiều hơn bất kỳ một sáng kiến nào khác. Chương trình đã thúc đẩy nền kinh tế Hàn Quốc tiến tới những ngành công nghiệp mà nhờ nó ngày nay Hàn Quốc trở nên nổi tiếng và định hình rõ cơ cấu ngành nghề kinh doanh của mình, chẳng hạn như các ngành đóng tàu, sản xuất ô tô và điện tử sôi động. Chính phủ không những chọn ra các ngành và dự án ưu tiên đầu tư mà còn chọn cả những doanh nhân sẽ chịu trách nhiệm điều hành chúng.

Park tiến tới những mối quan hệ nghề nghiệp, trong một vài trường hợp là quan hệ cá nhân, với một nhóm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đầu tàu, những người chịu trách nhiệm triển khai chương trình công nghiệp nặng. Kết quản là, Park đã nuôi dưỡng những tổ hợp doanh nghiệp khổng lồ mà sau đó trở thành lực lượng thống trị thương mại của nền kinh tế Hàn Quốc: những chaebol.

Các nhóm kinh doanh gia đình trị có tầm hoạt động vươn rộng vốn chủ yếu phỏng theo mô hình keiretsu của Nhật Bản này đã trở thành những cỗ máy thúc đẩy tăng trưởng của Hàn Quốc và ngày nay vẫn còn được nhắc đến với những cái tên quen thuộc cửa miệng như Samsung, Hyundai, LG và nhiều thương hiệu khác.

Điều khiến cho chương trình công nghiệp của Park khác biệt với những nỗ lực lãnh đạo của nhà nước ở các nước khác trong thế giới đang phát triển là chính bí mật của “mô hình châu Á” trong phát triển, tức sự kết hợp giữa hành động của chính phủ và các lực lượng thị trường. Giống như cung cách của giới quản lý ở MITI, Park cũng trông mong nhận được những kết quả - chẳng hạn như sản phẩm chất lượng cao, kim ngạch xuất khẩu mạnh - từ các công ty được hưởng ưu đãi của ông như một cách đáp trả sự hỗ trợ của chính phủ.

Trong lúc được bảo vệ ở thị trường trong nước, các chaebol, giống như keiretsu, cũng bị buộc phải cạnh tranh ở tầm quốc tế với những công ty phát triển nhất trong lĩnh vực kinh doanh của họ ngay từ giai đoạn còn trong trứng nước. Sự khốc liệt của cạnh tranh toàn cầu đã buộc hàng hóa sản xuất của Hàn Quốc phải đáp ứng những tiêu chuẩn cao. Nơi nào mà các thị trường quốc tế không tạo áp lực thúc ép các chaebol phải hoạt động thì nơi đó sẽ có Park đích thân đưa ra những đòn trừng phạt để gây sức ép.

Các nhà quản lý thất bại bị Park cách chức còn những người thành công thì được quyền tiếp cận thêm nhiều dự án khác, được hưởng nhiều đặc ân khác. Tuy phương thức này còn xa mới đạt tới sự hoàn thiện nhưng nó đã buộc các chaebol phải phấn đấu trở nên xuất sắc. Yếu tố này là nhân tố chính trong câu chuyện phát triển của Hàn Quốc. Bằng cách riêng của mình, Park đã cố gắng đi theo nguyên tắc “tuân thủ thị trường” thay vì “coi thường thị trường”, giống như “mô hình châu Á” đòi hỏi.

Park Chung Hee nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế Hàn Quốc thành công nghiệp nặng

Park Chung Hee nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế Hàn Quốc thành công nghiệp nặng
CHƯƠNG TRÌNH CÔNG NGHIỆP NẶNG VÀ HÓA CHẤT TẠI HÀN QUỐC,  %CỦA SẢN XUẤT

1971


1975


1980


1984

Sản lượng
41


48


56


62

Xuất khẩu
14


26


40


60

Nguồn: Amsden, Kẻ khổng lồ tiếp theo của châu Á.

Một trong những doanh nhân ưa thích của Park là Chung Ju Yung, người sáng lập tập đoàn Hyundai. Cả hai đều đi lên từ nghèo khó, trải qua cơ cực và đều táo bạo; cả hai đều tin vào công cuộc xây dựng nền kinh tế quốc gia; cả hai đều có thiên hướng lãnh đạo độc tài. Một tối năm 1984, Chung ra lệnh cho toàn bộ nhân viên trụ sở chính của Hyundai tại Seoul chuyển sang một tòa nhà văn phòng mới ngay lập tức.

Các nhân viên, những người đang chuẩn bị ra về sau ngày làm việc, vô cùng kinh ngạc, đặc biệt là vì tòa nhà trụ sở mới cao 12 tầng vẫn chưa hoàn tất. Chung huy động một nhóm công nhân phải hoàn thành xong việc xây dựng văn phòng mới trước sáng hôm sau. Những hành động gây ngạc nhiên kiểu như vậy cộng với quyền lực kinh tế to lớn của Chung đã khiến cho báo giới Hàn Quốc tặng cho ông biệt danh “Vua Chủ tịch”.

Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, các công ty thuộc tập đoàn Hyundai sản xuất xe hơi, xe tải, tàu thủy, chất bán dẫn, hàng điện tử, trang thiết bị hạng nặng; điều hành, quản lý các dây chuyền đóng tàu, các cửa hàng bách hóa, một công ty quản lý quỹ đầu tư và một công ty môi giới. Chung đã chạy đua giành ghế tranh cử tổng thống Hàn Quốc nhưng không thành công vào năm 1992. Vài năm trước khi chết vào năm 2001, ông xả thân cho nỗ lực cá nhân hóa giải sự đối đầu giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc, thậm chí dồn gia súc từ nông trại của riêng mình sang bên kia vùng biên giới được vũ trang dày đặc như một cách để bày tỏ hòa hiếu.

Nếu Park Chung Hee là Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của Tập đoàn Hàn Quốc thì Chung Ju Yung là Giám đốc điều hành (COO), thực thi những kế hoạch vĩ đại của tổng thống mà nhiều người khác thường cười nhạo là không thể thực hiện. Phóng viên tạp chí New York Times David Sanger từng nói: “Tất cả mọi người đều thừa nhận rằng trong khi nhiều người khác chế ngự Hàn Quốc thì Chung Ju Yung lại xây dựng nó”.

Chung sinh năm 1915 tại làng Asan khi Triều Tiên vẫn còn là thuộc địa của Nhật Bản.  Dấu ấn của cảnh nghèo túng cơ cực đã in đậm trong những năm tháng đầu đời của ông. Cha ông cày quần quật suốt 14-16 tiếng mỗi ngày trên thửa ruộng rộng chừng 1,6ha để trồng lúa, trồng rau nhưng gia đình vẫn thường xuyên bị đói ăn. Bữa ăn hằng ngày của họ chỉ có một bát bột yến mạch vào buổi sáng và một bát cháo đậu vào buổi tối.

Chung hồi tưởng: “Cả hai cha mẹ tôi đều đầu tắt mặt tối từ sáng sớm tinh mơ đến tận đêm khuya nhưng ông bà vẫn luôn nghèo túng.” Chỉ có duy nhất một bộ quần áo xuềnh xoàng, Chung thường xuyên bị chấy rận cắn. Trong suốt mùa đông, bà của Chung phải treo bộ đồ bên ngoài trời giá lạnh để xua diệt bớt lũ sinh vật ký sinh. Những ký ức cay đắng ấy là động lực chính của Chung phấn đấu trở thành một doanh nhân. Chung có lần nói: “Tôi bị thôi thúc phải đạt được của cải giàu sang phú quý vì sự đói nghèo mà tôi đã trải qua thời thơ ấu.”

Năm 1931, Chung hoàn tất bậc tiểu học và ngoài một số triết lý nho giáo do người cha nghiêm khắc dạy bảo thì đó là tất cả nền tảng học vấn mà ông có được. Tuy nhiên, cuộc đời làm việc lam lũ của cha ông không phải là thứ ông muốn. Là một người ham mê, khao khát đọc, ông nghiến ngấu nhiều cuốn sách viết về tiểu sử của những nhân vật nổi tiếng. (Napoleon và Abraham Lincoln là nguồn khơi gợi cảm hứng chính).

Tới những chốn buôn bán làm ăn tại địa phương, ông đã nhìn thấy nhiều người giàu có của khu vực và hạ quyết tâm mình sẽ trở thành một trong số họ. “Tôi quyết định đi đến một chỗ nào đó, nơi tôi có thể ăn tất cả loại cơm mà tôi muốn.” Sau ba lần thử trốn khỏi nhà nhưng thất bại, năm 1934, Chung tìm đường đi Seoul, tại đây ông làm nhiều công việc linh tinh, hết công nhân xây dựng đến một chân chạy vặt trong một nhà máy tinh bột và cuối cùng là một anh chàng giao hàng cho một công ty gạo. Công việc cuối cùng này đem lại cho Chung ba bữa ăn và nửa bao gạo mỗi ngày. Đạo đức làm việc của Chung đã thuyết phục người chủ bị đau ốm trao lại công việc kinh doanh cho Chung. Đây là lần đầu tiên Chung làm quản lý.

Chung sau đó mượn tiền mua một garage sửa chữa xe ô tô. Ông chẳng biết tí gì về xe hơi nhưng với một cá tính đặc trưng rất Chung, ông cho rằng chính mình có thể học được nghề này. Sau khi bị hất tung khỏi công việc kinh doanh trong suốt thời gian diễn ra Chiến tranh Thế giới thứ II, ông lại mở một garage mới khi chiến tranh kết thúc và đặt tên garage này là Cơ sở Ô tô Hyundai (Hyundai Auto Service).

Chung chọn cái tên này vì tiếng Hàn Quốc nó có nghĩa là “hiện đại”. Năm 1947, nhận thấy việc xây dựng như điên cuồng của lực lượng quân đội Mỹ giàu có đóng tại Hàn Quốc, Chung thành lập Công ty xây dựng dân dụng Hyundai (Hyundai Civil Works Company), cái mà cuối cùng sau này trở thành căn cứ của đế chế do Chung tạo dựng. Trong thời gian xảy ra chiến tranh liên Triều, Chung đã hoàn thiện những công trình xây dựng nhỏ cho cả quân đội Hàn Quốc lẫn quân đội Mỹ.

Cú đột phá lớn của Chung xảy ra vào tháng 12/1952 khi Tổng thống mới đắc cử của Mỹ Dwight Eisenhower công du đến Hàn Quốc. Eisenhower dự định đến thăm một nghĩa trang quân sự. Nhưng, lúc đấy, tất cả các ngôi mộ đều phủ đầy cỏ dại tàn úa vì trời đang giữa đông. Các sĩ quan lo lắng gọi Chung đến để hỏi xem liệu ông có nghĩ ra được cách nào làm cho nghĩa trang trông đẹp nhất. Chung tài tình mua 30 xe tải chở đầy cây lúa mạch, loại cây vẫn giữ được vẻ xanh tốt ngay trong thời tiết giá lạnh, đến trồng giữa các nấm mộ. Quân Mỹ biết ơn đã trả cho Chung một số tiền gấp ba lần con số mà họ đã hứa.

“Kể từ lúc đó, tất cả mọi dự án xây dựng cho Quân đoàn số 8 đều thuộc về tôi,” Chung kể. Sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, Chung đảm nhận các dự án mỗi ngày mỗi lớn hơn, trong đó có dự án xây dựng các cây cầu bắc qua sông Hàn. Là một bạo chúa thậm chí ngay từ lúc đó, Chung cho gọi các quản lý dự án của mình vào bất kể giờ giấc nào, định ra những thời hạn hoàn thành một cách quá đáng và hay bất thình lình đi kiểm tra không báo trước. Năm 1960, Hyundai là công ty xây dựng lớn nhất Hàn Quốc.

Chung làm việc lần đầu tiên với Park Chung Hee không lâu sau khi chính phủ mới lên nắm quyền. Chung được mời tham dự các cuộc họp thường kỳ về xúc tiến xuất khẩu mà Park tổ chức cùng với những quan chức cấp cao và các doanh nhân hàng đầu. Ông cũng sớm tận dụng lợi thế từ các chính sách kinh tế của Park. Sử dụng các khoản cho vay của chính phủ, ông mở một nhà máy xi măng vào năm 1964 để phụ trợ cho ngành kinh doanh xây dựng đang trên đà phát triển của mình.

Chung trở nên nổi bật nhờ vào vai trò của ông trong dự án xây dựng tuyến đường cao tốc xuyên quốc gia của Park. Năm 1967, Park triệu tập Chung đến văn phòng của tổng thống trong Nhà Xanh để gặp gỡ riêng lần đầu tiên giữa hai người để tham khảo ý kiến chuyên môn của Chung về dự án cũng như ước tính của ông về chi phí của dự án này. Chung bỏ ra ba tuần sau đó để nghiên cứu các đồ án xây dựng đường cao tốc và bay dọc theo tuyến đường này để có cái nhìn đầu tiên về nó.

Khi Chung quay lại gặp Park, ông đề xuất thay đổi lộ trình của tuyến đường tới mức phá vỡ cả thiết kế ban đầu: đào hầm xuyên qua núi để xây dựng con đường nhanh hơn và rẻ hơn. Chung ước tính chi phí xây dựng chỉ bằng 40% mức giá mà Bộ Xây dựng đã tính toán. Ban đầu, Park tỏ ra nghi ngờ nhưng sự tự tin của Chung đã thuyết phục được ông. Park yêu cầu Chung giữ vai trò lãnh đạo trong việc hình thành một liên doanh chịu trách nhiệm xây dựng tuyến đường, trong đó Hyundai chiếm phần lớn cổ phần.

Trong quá trình triển khai dự án, Park và Chung đã thiết lập mối quan hệ thân thiết. Công nhân của Hyundai làm việc suốt ngày đêm để hoàn thành đúng thời hạn đặt ra của tổng thống. Chung ở ngay tại công trường xây dựng, ngủ trong một chiếc xe jeep cũ. “Chúng tôi làm việc cật lực đến nỗi thậm chí chúng tôi không nhận ra các mùa thay đổi trong năm,” Chung sau này cho biết. Park cuối cùng cũng đã gặp được người sánh kịp khả năng làm việc của ông.

Có một câu chuyện kể lại một lần Park ghé ngang qua công trường xây dựng của Chung mà không báo trước trên một chiếc trực thăng vào sáng sớm để rồi thấy cảnh Chung đã thức dậy từ lúc nào, đang hô hào chỉ đạo công nhân của mình trên công trường. Chung chỉ thu một khoản lợi nhuận nhỏ từ dự án này nhưng ông lại chiếm được lòng tin của Park. Chung trở thành người cùng ăn tối thường kỳ với Park vào mỗi thứ 5 tại Nhà Xanh. Cả hai ăn mặc giản dị thoải mái, không mang cà vạt và nói chuyện hàng giờ liền bên ly rượu gạo Hàn Quốc.

Cùng lúc với cuộc đua marathon xây dựng đường cao tốc, Chung cũng đưa Hyundai bước vào một lĩnh vực kinh doanh mới: ô tô. Kế hoạch 5 năm lần thứ hai của Park có các biện pháp khuyến khích đầu tư thông qua thuế và giảm thuế đối với ngành lắp ráp xe hơi trong nước. Nhớ tới những ngày mở garage sửa chữa xe hơi của mình, Chung không thể cưỡng lại cơ hội này.

Ông dùng một khoản tiền vốn vay được từ chính phủ để mua đất tại làng Ulsan, xây dựng một nhà máy lắp ráp và khánh thành công ty Hyundai Motor vào năm 1967. Đây là bước đầu tiên trong quan hệ tốt đẹp về sau giữa Chung và Ulsan. Ngôi làng chài sau này sẽ trở thành đại bản doanh của các công ty công nghiệp thuộc tập đoàn Hyundai và phát triển thành một trong những thành phố quan trọng nhất của Hàn Quốc, hầu như toàn bộ đều là nhờ vào Chung và các khoản đầu tư của ông. Hyundai Motor bước đầu bắt tay lắp ráp xe hơi của Ford.

Sau đó, vào năm 1973, Chung ký được một thỏa thuận với hãng Mitsubishi Motors của Nhật Bản để mua bản quyền công nghệ sản xuất ô tô. Nhờ sự giúp đỡ của cựu chủ tịch Tập đoàn sản xuất ô tô của Anh British Leland, Hyundai đã phát triển mẫu xe hơi sản xuất trong nước đầu tiên của Hàn Quốc: chiếc Pony nhỏ, sản phẩm xuất xưởng từ dây chuyền lắp ráp tại Ulsan vào năm 1976.

Tuy nhiên, lĩnh vực mà Chung thực sự để lại dấu ấn là đóng tàu. Có động lực bước vào ngành này năm 1970 khi công ty xây dựng của ông đang tìm kiếm cơ hội xây dựng các cơ sở cảng biển tại Trung Đông, Chung tiếp cận với công ty chuyên sản xuất thiết bị công nghiệp nặng Mitsubishi Heavy Industries của Nhật để đặt vấn đề muốn được hỗ trợ kỹ thuật. Sau nhiều cuộc đàm phán kéo dài, Mitsubishi chỉ sẵn lòng đưa ra một thỏa thuận hỗ trợ hết sức hạn chế khiến Chung lo ngại những nỗ lực của ông sẽ bị lâm vào tình trạng bế tắc.

Từ bỏ Mitsubishi, Chung quay sang ký kết thỏa thuận về hỗ trợ kỹ thuật với một công ty của Anh và bắt đầu tìm kiếm nguồn tài chính. Vì háo hức muốn thấy thành công của Chung, chính quyền của Park đã cấp cho Chung một số vốn nhưng Chung vẫn cần phải có thêm 40 triệu USD mới mở được công ty đóng tàu. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi các ngân hàng ở Thụy Sỹ, Pháp và Anh đều từ chối cho Chung vay.

Chưa có bất kỳ một công ty nào của Hàn Quốc, kể cả Hyundai, từng đóng một con tàu nào lớn như cỡ Chung dự định sẽ làm. Trong một cuộc họp với một nhà điều hành mang tâm trạng hoài nghi của Barclays, Chung đã thử đưa ra mọi lý lẽ để thuyết phục ngân hàng này thay đổi ý kiến. Chung nài nỉ: “Anh biết không, khi một người có niềm tin rằng việc này có thể làm được thì anh ta chắc chắn chính là người sẽ hoàn thành công việc đó.” Park rất tức giận trước sự thất bại của Chung và đòi hỏi Chung phải cố gắng nhiều hơn nữa. Park đe dọa: “Nếu anh chỉ muốn làm những gì dễ dàng thì anh sẽ không nhận được thêm bất kỳ sự giúp đỡ nào của tôi.”

Chung lại tìm đến Barclays qua cửa sau. Trong một buổi gặp gỡ trùm đóng tàu Hy Lạp George Livanos, ông đã tranh luận sôi nổi về một hợp đồng liên quan đến hai tàu chở dầu. Sự tận tâm đó rốt cuộc cũng khiến cho Barclays xiêu lòng và một liên doanh các ngân hàng châu Âu đã chịu cho vay 50 triệu USD. Thách thức cuối cùng còn lại là đóng tàu chở dầu. Livanos đòi hỏi tàu phải được đóng theo một thiết kế hiện hành, điều mà Chung có thể làm được. Ông bắt đầu hàn con tàu đầu tiên vào năm 1972 trong khi vẫn tiếp tục xây dựng một xưởng đóng tàu quanh nó.

Như thường lệ, Chung lại đòi hỏi mọi việc được tiến hành một cách siêu tốc. Công nhân thường làm việc 17 giờ mỗi ngày. Chung đi tới đi lui các xưởng đóng tàu và khích lệ tinh thần họ bằng những viễn cảnh về một tương lai phồn vinh. “Các anh sẽ có ti vi và tủ lạnh trong 5 năm nữa,” Chung hứa hẹn với họ. “Và sẽ có xe hơi sau 15 năm”. Tuy nhiên, lúc này, điểm yếu không có kinh nghiệm của Hyundai bắt đầu bộc lộ khi các kỹ sư vật lộn với bản thiết kế con tàu.

“Chúng tôi thậm chí còn không biết cách đọc bản vẽ,” một thợ hàn nhớ lại. Khi hai nửa của con tàu được đem hàn ghép lại với nhau để tạo thành một con tàu hoàn chỉnh, các kỹ sư khiếp sợ phát hiện ra chỗ lắp ghép bên trong con tàu không khớp nhau, đòi hỏi phải tốn nhiều thời gian để chỉnh sửa. Năm 1974, sau gần 2 năm làm việc cật lực không ngơi nghỉ, chiếc tàu chở dầu đầu tiên đã sẵn sàng hạ thủy.

Không ai trong công ty dám chắc con tàu sẽ nổi và toàn bộ nhân viên Hyundai tụ tập ở bến tàu trong tâm trạng lo lắng. Khi con tàu trượt xuống vịnh và chạy một cách nhẹ nhàng ra xa bờ, tất cả cùng òa lên hoan hô huyên náo. Vậy là Hyundai đã đặt chân vào ngành công nghiệp đóng tàu. Trong vòng 10 năm tiếp theo, Chung trở thành nhà đóng tàu lớn nhất thế giới.


18/02/2011 10:05

Kỳ 6


TTO - Một số nhà kinh tế học xem thành công trong lĩnh vực đóng tàu của Hyundai là minh chứng tích cực cho sức mạnh của phiên bản mô hình châu Á của Park. Hai nhà kinh tế học Leroy Jones và Sakong Il tin rằng “nếu không có sự sức ép cá nhân của Tổng thống Park thì gần như dự án này chắc chắn sẽ bị xếp xó” và “nếu không có sự hậu thuẫn mạnh mẽ và hiệu quả của nhà nước thì dự án sẽ không thể hoàn thành đúng thời hạn”.

Nhiều người khác cảm thấy không thuyết phục với lập luận này. Ngân hàng Thế giới cho rằng chương trình công nghiệp hóa nặng hoàn toàn của Park đã thất bại trong việc biến đổi cấu trúc kinh tế theo hướng thoát khỏi những ngành nghề thâm dụng lao động như Park đã mong ước. Thậm chí, những đặc quyền mà chính phủ đã trao cho các công ty hoạt động trong những ngành ưu tiên phát triển đã trút thêm gánh nặng tài chính cho nhà nước và tạo ra những khoản lỗ lớn trong ngành ngân hàng.

Năm 1980, những phí tổn cho “Cú đẩy lớn” là nhân tố chính góp phần làm chậm lại đà phát triển của nền kinh tế; rất nhiều trong số các chương trình hỗ trợ cho những ngành công nghiệp được Park ưu tiên phát triển đã bị xóa sổ hoặc phải thu hẹp lại.80 Giống như trường hợp của Nhật Bản, sự ảnh hưởng của chính sách công nghiệp theo kiểu MITI của Park lên nền kinh tế Hàn Quốc vừa mang tính tích cực lại vừa mang tính tiêu cực.

Xét về mặt chính trị, bản thân Park cũng đã trở thành một gánh nặng lên Hàn Quốc vì ông ngày càng có khuynh hướng đàn áp thô bạo, hà khắc trong suốt những năm 1970. Năm 1972, ông đã làm cho cả đất nước bị sốc trước việc tuyên bố áp đặt tình trạng thiết quân luật. Sau đó, ông lại đưa ra hiến pháp mới chấm dứt việc bầu cử tổng thống trực tiếp và chính thức suy tôn Park làm tổng thống trọn đời.

Sự áp bức ngày càng tăng của Park đã làm dấy lên tình trạng phản kháng công khai. Cái gai chính của Park là Kim Dae Jung, một người ủng hộ dân chủ bộc trực có nhiều mối quan hệ chặt chẽ với giới sinh viên và tầng lớp lao động. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1971, Kim đạt được kết quả gần như hất Park ra khỏi chiếc ghế quyền lực và điều này chỉ càng làm trầm trọng hơn chứng hoang tưởng quyền lực của Park. Kim trở thành người bị “chiếu tướng”.

Tháng 8-1973, khi Kim Dae Jung vừa rời khỏi một cuộc gặp gỡ ăn trưa ở một khách sạn tại Tokyo, ba người đàn ông mặc đồ đen xuất hiện, đẩy ông vào một căn phòng ở gần đó, đánh ông đến bất tỉnh nhân sự rồi lôi ông lên một chiếc xe hơi, lao nhanh đến một bến cảng cách đó không xa, quẳng ông lên một con tàu sắp khởi hành đi Hàn Quốc trong tình trạng tay chân bị buộc chặt vào nhiều khối vật nặng.

Những phản ứng quyết liệt của Tokyo cùng những cảnh báo mạnh mẽ về hậu quả nghiêm trọng từ phía đại sứ Mỹ ở Seoul đã cứu sống Kim. Năm ngày sau khi bị bắt cóc, Kim được thả gần nhà của mình ở Seoul nhưng phải chịu sự quản thúc tại gia. Vào cuối những năm 70, Park bị vây hãm. Các cuộc biểu tình của sinh viên ngày càng lớn mạnh và công nhân phát động nhiều cuộc đình công tranh đấu hơn. Park gan lì bám giữ quyền lực.

Kết cục xảy ra hết sức bất ngờ. Ngày 26-10-1979, Park ăn tối trong một ngôi nhà an toàn gần văn phòng của mình với Kim Jae Kyu, Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Hàn Quốc (KCIA) đồng thời là điệp viên trưởng của Park, và hai trưởng nhóm vệ sĩ của tổng thống. Một người mẫu nổi tiếng kiêm ca sĩ lừng danh quỳ gối rót những ly rượu Chivas Regal trong khi những người đàn ông đang ngồi ăn quanh một cái bàn thấp theo kiểu truyền thống của Hàn Quốc.

Park và Cha Chi Chol, một trong hai trưởng nhóm vệ sĩ của tổng thống, bắt đầu nhiếc móc Kim Jae Kyu vì tội không trấn áp được các cuộc biểu tình ngày càng diễn ra dữ dội ở khu vực đông nam. Cha đặc biệt lên án Kim kịch liệt vì cho rằng Kim quá mềm yếu. Kim rời khỏi bàn ăn tối, lên thẳng phòng làm việc của mình ở tầng hai của tòa nhà và lấy ra khẩu súng ngắn Smith&Wesson 38 li của mình.

Trở lại phòng ăn tối, Kim nổ súng, đầu tiên là vào Cha rồi sau đó vào Park. Khi khẩu Smith&Wesson bị kẹt đạn, Kim giật lấy súng của một sĩ quan KCIA đứng gần đó và tiếp tục nhả đạn vào hai người. Park đổ về phía trước trong một vũng máu. Một trong hai người phụ nữ có mặt ở đó hỏi Park: “Ngài có ổn không, Ngài Tổng thống?”. Park trả lời: “Tôi ổn”. Đó là những lời cuối cùng của ông.

MICHAEL SCHUMAN

Nguồn:








Chú giải


1. MITI là từ viết tắt từ The Ministry of International Trade and Industry (通商産業省 Tsūshō-sangyō-shō or MITI) Bộ Thương-mại Quốc-tế và Công-nghiệp Nhật-Bản.

Đây là bài dịch từ chương 2 "Why Korean wants to clone a dictator" trong cuốn sách "The Miracle" của tác-giả Michael Schuman.



Xem thêm 

Hàn Quốc: Hoá rồng, độc tài và dân chủ

The Miracle by Michael Schuman



These days, in America, “outsourcing” is a dirty word. We blame it for everything from the loss of jobs to confusing assembly instructions on a book case. “How did this happen?” we ask. That was my question when I picked up this book, subtitled The Epic Story of Asia’s Quest for Wealth. Not only is it about the corporations that have become such a part of our daily lives, but is also a series of portraits of the men behind the companies and business practices that have made them such giants.
We learn that Sony began in a room of a bombed out department store and Honda started by attaching radio engines to bicycles. And that Indonesia’s economic policies were steered by the “Berkeley Mafia”. It’s not just CEOs that are featured, but also government heads such as Deng Xiaoping of China and Park Chung Hee of South Korea. In every instance, the men had strong personalities, incredible ambitions and the connections to make things happen. In some cases, the government or special organizations, such as Japan’s MITI, applied funds, regulations and trade restrictions to enable success. There is much discussion of the “Asian model”, which is a collection of elements that is often a part of the most profitable ones.
Rather than sneaking up on us suddenly in the 1980’s, as is perceived, the groundwork was laid long before. In fact, Hasbro was making more than one fourth of their toys in Hong Kong in the ‘60’s, including the iconic G.I. Joe doll. Cheap labor and less restrictions was drawing hundreds of American companies to Asia, building new factories and other accoutrements. The companies were choosing to invest there instead of here, so they could ultimately make a higher profit. As Sony’s Akio Morita says “We are focusing on business ten years in advance, while you seemed concerned only with profits ten minutes from now.”
The author posits that we shouldn’t take an “us vs. them” attitude, but think of it simply as wealth relocation that will benefit everyone. It’s a global economy. The US will simply be consumers now, instead of manufacturers. It’s an objective way of looking at things, but emotionally difficult for many.
Though it’s a business book, there’s not a lot of economic gobbledygook, a few graphs and that’s it. The main focus is on the personalities of the people and their accomplishments. I do wish the author had talked a bit about the environmental impact of all the ‘development’ had on such limited and often fragile habitats. He does mention the human cost briefly, especially when he says the workers in India’s initial IT companies were often called “cyber coolies”. But I would’ve liked to hear a bit about working conditions, attempts to unionize and wage gaps between management and regular workers as a counter to the dizzying wealth of some of the leaders. It would’ve made an already very interesting book even more so.

Harper Collins 2009 422 pp. ISBN 978-0-06-134668-2

The Miracle by Michael Schuman


http://vulpeslibris.wordpress.com/2009/08/10/the-miracle-by-michael-schuman/




Châu Á Thần Kỳ - Thiên Sử Thi Về Hành Trình Tìm Kiếm Sự Thịnh Vượng Của Châu Á

Châu Á Thần Kỳ - Thiên Sử Thi Về Hành Trình Tìm Kiếm Sự Thịnh Vượng Của Châu Á


Tác giả: Michael Schuman. - Dịch giả: Ngô Thị Tố Uyên.

Nhà xuất bản: Nxb Thời Đại


Số trang: 522Hình thức bìa: Bìa mềm
Kích thước: 16 x 24 cmNgày xuất bản: 10 - 2010
Trọng lượng: 770 gramSố lần xem: 4715
(Chi tiết về phí vận chuyển)
Giá bìa: 131.000 VNĐ
Giá bán: 131.000 VNĐ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét