Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2017

Ai cũng biết người Nhật chăm chỉ nhưng không phải ai cũng biết họ dùng một phương pháp đặc biệt để trị “bệnh lười”

Trong văn hoá của người Nhật tồn tại một khái niệm gọi là Kaizen bao gồm ý tưởng dựa trên “nguyên tắc 1 phút” để tự hoàn thiện bản thân. Tất cả những gì bạn cần làm là xác định mục tiêu bạn muốn đạt được, chọn một khoảng thời gian cố định và dành ra 1 phút mỗi ngày để thực hiện nó.




Trong cuộc sống, hầu hết chúng ta đều thiết lập cho mình những mục tiêu hoặc thử thách – nhưng không phải ai cũng đạt được mục tiêu. Và khi thất bại, chúng ta thường tự lừa dối bản thân rằng “Tất cả là do mình chưa sẵn sàng. Mình sẽ cố gắng chăm chỉ hơn vào tuần tới, tháng tới và... năm tới”.


Chúng ta theo đuổi mục tiêu bằng lòng nhiệt thành từ phút khởi đầu. Nhưng sau một chút nỗ lực nhỏ, chúng ta lại nói với bản thân rằng như thế là đủ rồi và cần thời gian để bắt đầu cuộc sống mới một cách chậm chạp hơn. Vô hình chung, chúng ta đã tự tạo cho mình thói quen “ì” hay còn gọi là lười biếng ngay từ khi mới bắt đầu.

Đó là lý do vì sao thế giới không thiếu người có đam mê nhưng lại chỉ có một vài người thành công. Chúng ta luôn muốn đạt được mọi thứ một cách nhanh nhất nhưng lại không sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ mới hoặc thay đổi thói quen cũ.

Trong văn hoá của người Nhật tồn tại một khái niệm gọi là Kaizen bao gồm ý tưởng dựa trên “nguyên tắc 1 phút” để tự hoàn thiện bản thân.

Trọng tâm của phương pháp này đó là mỗi người nên làm một điều gì đó trong đúng 1 phút, mỗi ngày và vào một thời điểm cố định.

Khoảng thời gian 1 phút này sẽ được sử dụng để làm công việc bạn ngại làm nhất hoặc ghét nhất. Sau khi 1 phút kết thúc, bạn không cần tiếp tục làm công việc đó nữa. Việc duy nhất bạn cần làm là ghi nhớ khoảng thời gian này và duy trì nó hàng ngày.

Rõ ràng, việc thực hiện một nhiệm vụ đơn giản, lặp đi lặp lại, trong một khoảng thời gian tương đối ngắn không hề khó khăn với bất cứ ai, kể cả những người lười biếng nhất.

Ngược lại, nếu như nhiệm vụ kéo dài 30 phút hoặc 1 tiếng mỗi ngày, chúng ta sẽ rất dễ chán nản và bỏ cuộc. Nhưng ở đây, bạn chỉ mất đúng 60 giây và không có lý do gì để bạn phải nghi ngại khi thực hiện một nhiệm vụ quá ngắn như thế.

Thậm chí dù là hít đất, hay đọc một cuốn sách tiếng Anh khó nhằn, ban đầu thì nó có vẻ không dễ dàng và thoải mái chút nào. Nhưng khi bạn liên tục thực hiện phương pháp luyện tập này trong vòng 1 phút, bạn sẽ trở nên quen với nó và tìm thấy niềm vui cũng như sự hài lòng. Chỉ cần 1 phút làm một việc cực nhỏ mỗi ngày, bạn đã có thể cải thiện bản thân và đạt được kết quả như mong muốn.

Trong cuộc sống, vượt qua sự thiếu tự tin là điều rất quan trọng mà bạn cần rèn luyện để đạt được thành công. Khi có được sự tự tin, bạn sẽ dần hứng thú hơn với việc mình đang làm. Lúc đó, bạn có thể tăng dần thời gian luyện tập từ 1 phút lên thành 5 phút, 30 phút hoặc dài hơn. Khi đó, nguyên tắc 1 phút sẽ cho bạn thấy tiến trình phát triển ngay trước mắt bạn.

Kaizen là sự kết hợp của 2 từ “kai” (thay đổi) và “zen” (trạng thái tinh khiết, tập trung cao độ). Phương pháp này được sáng tạo bởi Masaaki Imai - ông tin rằng triết lý này có thể áp dụng thành công cho thế giới kinh doanh cũng như cuộc sống thường ngày.

Ban đầu phương pháp này bị nghi ngờ và đánh giá là không hiệu quả đối với những người trưởng thành lớn lên ở phương Tây khi họ luôn cho rằng thành quả phải bắt nguồn từ những nỗ lực lớn lao, phi thường chứ không thể là một phút ngắn ngủi.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thực hiện những nỗ lực lớn lao, phi thường ngay lập tức. Vì thế, sự ra đời của Kaizen cho thấy bất cứ ai cũng có thể nỗ lực, dù là một phần rất nhỏ trong cuộc sống.

So với việc cũng làm nhiệm vụ chán nản này trong khoảng thời gian dài nhưng không đều đặn, bạn sẽ thấy làm việc trong thời gian ngắn luôn hiệu quả hơn vì nó tạo cho con người sự thoải mái, không ép buộc. Hơn thế nữa, phương pháp Kaizen hiệu quả ở chỗ nó biến nỗi sợ hãi, sự lười biếng của bạn thành thói quen - thứ có thể vượt qua bất kì kẻ lười biếng nào.

Tất cả những gì bạn cần làm ở đây là xác định mục tiêu bạn muốn đạt được, chọn một khoảng thời gian cố định và dành ra 1 phút mỗi ngày để thực hiện nó.

Trịnh Thơm
Thứ 4, 15/03/2017, 08:00 PM

Theo Trí thức trẻ/Brightsideme

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét